Niềm tin của các nhà quản trị giỏi đến từ đâu?
Các vị sếp bình thường xem công nghệ thông tin là một phương tiện để tăng cường việc kiểm soát của nhà quản lý và giúp đề phòng những tình huống bất ngờ xảy ra trong tương lai.
Trong cuốn sách mới nhất của mình có tựa đề Business Without the Bullsh*t: 49 Secrets and Shortcuts You Need to Know (Tạm dịch: 49 bí quyết điều hành doanh nghiệp một cách đơn giản và thông minh), tác giả Geoffrey James, một cây bút thường xuyên của tạp chí Inc., cho rằng những nhà quản lý thành công nhất là những người luôn được nhân viên tôn trọng và dễ dàng làm theo họ, đồng thời cũng là những nhà quản lý có khả năng được thăng chức nhiều nhất. Họ là những người có chung một số niềm tin cốt lõi sau đây:
1. Môi trường kinh doanh là một hệ sinh thái, không phải là một chiến trường
Các sếp bình thường luôn nhìn thấy xung đột giữa các công ty, phòng ban và các nhóm. Họ xem các công ty cạnh tranh là những đối thủ, còn khách hàng là những địa hạt cần phải chinh phục và chiếm lĩnh. Các nhà quản lý giỏi thì xem môi trường kinh doanh là một môi trường cộng sinh mà ở đó những công ty hoạt động đa phương nhất là những công ty có khả năng tồn tại và phát triển lớn mạnh nhất.
Những nhà quản lý này biết cách xây dựng những đội ngũ nhân sự có khả năng thích nghi dễ dàng với các thị trường mới và nhanh chóng hình thành các liên kết với các công ty, khách hàng và cả các đối thủ cạnh tranh.
2. Doanh nghiệp là một cộng đồng, không phải là một cỗ máy
Những vị sếp bình thường xem công ty là những cỗ máy và nhân viên là những chiếc bánh răng của cỗ máy ấy. Họ tạo ra một cơ chế cứng nhắc với nhiều nguyên tắc cứng nhắc nhằm kiểm soát hoạt động của những cỗ máy này.
Các nhà quản lý giỏi xem công ty là nơi tụ họp những cá nhân có nhiều niềm hy vọng và mơ ước, cùng hướng đến một mục đích cao hơn. Họ khơi nguồn cảm hứng để nhân viên tự nguyện cống hiến sức lực của mình cho sự thành công của các đồng nghiệp xung quanh và cho doanh nghiệp.
3. Quản lý là phục vụ, không phải là kiểm soát
Những vị sếp bình thường muốn nhân viên chỉ làm đúng những gì mà cấp trên yêu cầu. Họ không muốn nhân viên sáng tạo hay “qua mặt” họ.
Những vị sếp giỏi thì vạch ra hướng đi chung và cam kết trang bị, hỗ trợ các nguồn lực cần thiết để nhân viên thực hiện các công việc nhằm đạt được các mục tiêu đã được thống nhất. Họ chủ trương ủy quyền cho nhân viên cấp dưới tự đưa ra những quyết định quan trọng, tự xây dựng các nguyên tắc làm việc cho mình và chỉ can thiệp trong những trường hợp thật sự cần thiết.
4. Nhân viên là những cộng sự, không phải con cái
Các nhà quản lý bình thường xem nhân viên là những người thuộc cấp, những đứa con chưa được trưởng thành và không thể tin cậy nếu không được giám sát thường xuyên. Đối phó với cách đối xử này, nhân viên thường cố gắng tỏ ra bận rộn và không chia sẻ hết với sếp những sự thật mà họ đang suy nghĩ và hành động.
Những vị sếp giỏi xem nhân viên là những thành phần quan trọng nhất của doanh nghiệp. Họ luôn khuyến khích nhân viên làm việc độc lập và phát huy tối đa khả năng của mình để đạt đến những thành tích, kết quả tốt nhất trong công việc.
5. Động cơ làm việc đến từ tầm nhìn của tổ chức chứ không phải từ nỗi sợ hãi
Những vị sếp bình thường cho rằng nỗi sợ (lo sợ bị sa thải, bị kỷ luật, bị mất đi các đặc quyền) chính là một công cụ để động viên nhân viên. Kết quả là cả nhân viên lẫn các nhà quản lý đều ngại ra những quyết định rủi ro, ngay cả khi những quyết định ấy rất quan trọng đối với sự sống còn của doanh nghiệp.
Những vị sếp giỏi khơi nguồn cảm hứng và động cơ làm việc cho nhân viên bằng cách chỉ ra cho họ thấy một viễn cảnh tươi sáng mà họ là một thành phần của bức tranh ấy. Nhân viên sẽ làm việc chăm chỉ hơn khi họ có niềm tin vào các mục tiêu của tổ chức, hài lòng với những gì mình đang làm và nhìn thấy trước lợi ích của mình từ những kết quả mà họ đã góp phần tạo ra.
6.Thay đổi là phát triển chứ không phải đem đến phiền toái
Những vị sếp bình thường rất ngại sự thay đổi, cho rằng thay đổi luôn tạo ra những vấn đề phức tạp và đáng sợ. Theo họ, doanh nghiệp chỉ nên thay đổi khi đó là con đường duy nhất để tồn tại. Những vị sếp giỏi xem thay đổi là một điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Họ tin rằng thành công chỉ có thể đến nếu nhân viên và các tổ chức biết nắm bắt các ý tưởng mới, các cơ hội và cách thức kinh doanh mới.
7. Công nghệ thông tin là để hỗ trợ chứ không phải để tự động hóa việc quản lý
Các vị sếp bình thường xem công nghệ thông tin là một phương tiện để tăng cường việc kiểm soát của nhà quản lý và giúp đề phòng những tình huống bất ngờ xảy ra trong tương lai. Những nhà quản lý này lắp đặt các hệ thống quản lý tập trung ứng dụng công nghệ thông tin để loại bỏ khả năng ra quyết định của nhân viên.
Những vị sếp giỏi xem công nghệ là một phương tiện để giải phóng con người khỏi một số công việc thủ công, có nhiều thời gian để sáng tạo hơn và tập trung cho việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp hơn. 8Công việc phải tạo ra niềm vui chứ không chỉ đem đến sự cực nhọc. Các nhà quản lý bình thường quan niệm rằng nhân viên chỉ làm việc tốt nhất khi họ cảm thấy công việc ấy là một áp lực lớn.
Họ cho rằng việc nhân viên chán đi làm là chuyện bình thường. Họ xem mình là những người “đàn áp” còn nhân viên là những nạn nhân. Những vị sếp giỏi luôn biết cách làm cho nhân viên tìm thấy được niềm vui trong công việc. Vì vậy, họ quan niệm rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của một nhà quản lý là đặt nhân viên vào những vị trí, công việc mà nhân viên cảm thấy vui vẻ nhất và làm việc tốt nhất.
Leave a Reply