Mở công ty riêng và những khó khăn vấp phải
Mặc dù doanh nhân sẵn sàng sống cuộc sống đơn thương độc mã để theo đuổi đam mê kinh doanh của mình nhưng có những cái giá mà họ phải thực sự lưu tâm.
Đang từ thế giới hào nhoáng, chuyên nghiệp của một doanh nghiệp lớn bước ra ngoài mở công ty riêng, bạn không khỏi cảm thấy sốc. Có nhiều thứ mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Sau đây là một số nỗi niềm của người ra làm ăn riêng mà không phải ai cũng biết.
1. Là doanh nhân rất cô đơn
Vì công ty của bạn mới thành lập nên không thể có bộ phận nhân sự, bộ phận kế toán hay bộ phận trị sự. Chỉ có một mình bạn vừa điều hành công ty vừa gánh vác các công việc hành chính. Nếu có phải ra ngoài gặp gỡ khách hàng thì công việc công ty vẫn sẽ nằm yên một chỗ chờ bạn về giải quyết cho xong.
Nếu bạn định chuyển bớt một số công việc chuyên môn ra thuê ngoài, bạn sẽ phải mất thời gian để giải thích cặn kẽ cho người nhận thầu hiểu nhiệm vụ mà họ phải làm. Kiểu gì thì bạn cũng phải đụng tay vào, không còn lựa chọn nào khác.
Nếu cần người để thảo luận, trao đổi ý kiến, bạn chỉ còn cách bắt tay với một đối tác kinh doanh nào đó hoặc tuyển người.
2. Nhân tài không như lá rụng mùa thu
Có thể bạn có niềm đam mê cháy bỏng với doanh nghiệp của mình nhưng chưa chắc người bạn định thuê cũng làm được điều này. Những người giỏi thường không mặn mà gì lắm với một công ty không tên tuổi, lương lậu, phúc lợi bèo bọt và thiếu sự ổn định lâu dài.
Bạn sẽ phải tích cực quảng bá bản thân và thương hiệu, chia sẻ tầm nhìn chiến lược với những ứng cử viên tiềm năng, làm cho họ thấy những mặt tích cực của công ty như: được đảm nhận nhiều trọng trách, có cơ hội để học hỏi những kỹ năng mới và được tham gia sở hữu cổ phần.
Khi đã thuyết phục được ai đó vào làm việc, hãy tìm cách giữ chân họ. Sự gắn kết trong tập thể là vô cùng quan trọng, nếu thiếu nó, nhiều người sẽ ra đi.
3. Nhà đầu tư rất khó kiếm, kể cả khi thị trường đang khởi sắc
Bạn có thể nghĩ rằng doanh nghiệp của mình sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Nhưng trên thực tế, việc tìm được một nhà đầu tư phù hợp với nhu cầu của bạn không hề dễ dàng.
Vì thế, trước khi tiến hành huy động vốn, hãy tự đặt ra cho mình một số câu hỏi quan trọng như: Đâu là giá trị thực sự của doanh nghiệp? Nên cho đi bao nhiêu cổ phần? Điều kiện như thế nào là hợp lý? và tìm ra câu trả lời.
Hãy cân nhắc xem bạn còn cần thêm gì từ nhà đầu tư. Biết đâu ngoài nguồn vốn, họ còn có một bề dày kinh nghiệm mà bạn có thể khai thác và tận dụng cho doanh nghiệp mình.
4. Không dễ thuyết phục khách hàng
Tiếp thị cho một doanh nghiệp mới không phải là một cuộc dạo chơi trong công viên. Bạn muốn khách hàng mua sản phẩm/dịch vụ của bạn nhưng họ lại chưa biết gì về bạn. Bạn chỉ còn cách là nỗ lực thật nhiều. Bạn sẽ thấy những người mà mình có thể tiếp cận được là những nhân viên cấp bậc thấp nhất trong các công ty khách hàng và bạn sẽ phải dò tìm ra cách chào mời đủ hấp dẫn để có thể bước qua ngưỡng cửa của họ.
Muốn đưa thương hiệu của mình đến với khách hàng, bạn cần phải “lỳ lợm” và kiên trì. Việc kiếm được đơn hàng nhiều khi mất thời gian hơn bạn tưởng. Ngoài ra bạn cũng phải có sư kiên cường, dẻo dai để có thể đứng lên và tiếp tục sau khi để vuột mất khách hàng nào đó.
5. Tiền là tiên
Có nguồn tiền dồi dào mà không phải vay ngân hàng là chìa khoá thành công cho một doanh nghiệp mới thành lập. Điều này đồng nghĩa với việc phải làm thế nào để khách hàng trả tiền đúng hạn. Nhưng trường hợp khách hàng sai hẹn thì sao? Có thể bạn sẽ muốn dọa cắt đứt quan hệ với họ. Nhưng liệu làm thế có ổn không? Bạn có chắc rằng nó sẽ không phá vỡ mối thâm tình mà bạn mất bao nhiêu công sức để gây dựng?
Trong những tình huống tế nhị này, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở khách hàng về món nợ. Đôi khi họ có quá nhiều hoá đơn khác nhau phải thanh toán và vô tình quên bẵng đi hoá đơn của bạn.
6. Đánh đổi cuộc sống riêng
Mặc dù doanh nhân sẵn sàng sống cuộc sống đơn thương độc mã để theo đuổi đam mê kinh doanh của mình nhưng có những cái giá mà họ phải thực sự lưu tâm.
Đó là họ không bao giờ có thể hy vọng được về sớm hơn 5 giờ chiều hay có những kỳ nghỉ đúng nghĩa trừ phi họ có đối tác đủ tin cậy để có thể bỏ lại công phía sau và xách ba lô lên đường.
Và đặc biệt với những nữ giám đốc, chuyện nghỉ sinh 6 tháng theo đúng luật chỉ là hão huyền. Khi sinh đứa thứ 2 vào hè năm ngoái, tôi được nghỉ đúng một tuần vì không có ai gánh việc thay. Những lúc như thế mới thấy có thêm 1-2 người đồng sáng lập mới đáng quý làm sao.
Leave a Reply