Có nên thay đổi công việc ở tuổi 30 hay không?

Theo tôi, với học vấn chuyên môn và bằng cấp của bạn, con đường phát triển sự nghiệp của bạn còn dài. Bạn có thể học thêm một số chứng chỉ để nâng cấp hoặc chuyên sâu thêm.

Hiện em muốn chuyển sang một lĩnh vực khác: nhân viên theo dõi đơn hàng (merchandiser). Em thích làm một công việc tỉ mỉ, chi tiết có liên quan đến giao tiếp qua lại với nhiều người và sử dụng ngoại ngữ nhiều trong công việc.

Với những tính cách như vậy, liệu em có phù hợp với công việc của một merchandiser? Năm nay em cũng đã 30 tuổi nên có phần hơi lo lắng, liệu có quá trễ để chuyển sang một lĩnh vực khác hay không (trong khi em không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này)?

(l.t.n.nga..@gmail.com)

– Tư vấn của bà Phạm Nguyễn Kim Hồng – trưởng phòng kiểm toán Tập đoàn Furniweb Việt Nam: Chào bạn. Trước hết tôi xin sơ lược qua về công việc thường hay gặp của một Merchandiser.

Merchandiser nói chung là nhân viên theo dõi đơn hàng, đây là người sẽ làm việc trực tiếp với khách hàng về mẫu mã và giá cả sản phẩm, đồng thời cũng làm việc với nội bộ công ty để thông báo những yêu cầu của khách hàng và kết nối thông tin.

Nhân viên theo dõi đơn hàng sẽ phải đặt nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất, lập kế hoạch với khách hàng để bảo đảm hàng được giao đúng thời hạn và đáp ứng yêu cầu khách hàng. Nếu quy mô công ty nhỏ, nhân viên theo dõi đơn hàng còn có thể phải làm nhiều công việc như phát triển mẫu với khách hàng vì là cầu nối giữa bộ phận sản xuất và khách hàng.

Riêng trong ngành may mặc, nhân viên theo dõi đơn hàng có thể sẽ phải làm hết các khâu từ đặt các nguyên phụ liệu, đặt tàu với công ty vận chuyển, là cầu nối trực tiếp giữa khách hàng và các bộ phận khác của nhà máy, theo dõi năng suất hằng ngày để giữ đúng ngày xuất hàng mà khách hàng yêu cầu…

Một nhân viên theo dõi đơn hàng bắt buộc phải am hiểu rõ về ngành nghề công ty đang kinh doanh cũng như phải có mối quan hệ rộng rãi với khách hàng và nhà cung cấp cùng ngành để khi thương lượng đạt được những điều khoản tối ưu nhất cho công ty. Bên cạnh đó, biết và sử dụng tiếng Anh cũng như có khả năng giao tiếp, thương lượng và thuyết phục tốt là yếu tố không thể thiếu của một nhân viên theo dõi đơn hàng.

Bằng cấp hiện tại của bạn cộng với kinh nghiệm làm kế toán trong công ty nước ngoài được ba năm là một lợi thế và thuận lợi để bạn tìm một công việc tốt và ổn định trong cùng ngành, chẳng hạn như: phân tích tài chính (làm việc trong Quỹ Đầu tư nước ngoài – Foreign funds, hay bất kỳ một công ty nước ngoài nào), nhân viên tín dụng trong ngân hàng nước ngoài, nhân viên kiểm toán hay kiểm toán nội bộ trong tập đoàn nước ngoài…

Khi bắt đầu một công việc mới mà bạn hoàn toàn không có những kiến thức hay kỹ năng cơ bản (ngoài vốn ngoại ngữ là tiếng Anh) đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Điều đó không phải hoàn toàn không tốt, nhưng đòi hỏi bạn phải đầu tư nhiều công sức và thời gian để đào tạo chuyên môn lại. Hơn thế nữa, bạn phải định hướng được tương lai phát triển nghề nghiệp của bạn trong trung hạn, dài hạn như thế nào?

Bạn cần phải xem xét kỹ xem định hướng của bạn đặt ra có phù hợp với khả năng, năng lực và mục tiêu nghề nghiệp sau này của mình hay không. Bạn hãy đặt ra một bài toán hoàn chỉnh để so sánh giữa các sự lựa chọn, các cơ hội để có thể cụ thể hóa mục tiêu và định hướng nghề nghiệp được tốt hơn, rõ ràng hơn. Có như thế bạn sẽ cảm thấy tự tin và phấn đấu tốt hơn nữa trên con đường sự nghiệp mà bạn đã lựa chọn.

Về mặt tuổi tác, theo tôi dù ở độ tuổi nào đi nữa nếu bạn đã có những định hướng và mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng thì đó không phải là rào cản lớn trên bước đường thành công trong sự nghiệp của bạn.

Chúc bạn thành công với lựa chọn của mình!

– Tư vấn của bà Vũ Thùy Như Linh – trưởng nhóm tư vấn tuyển dụng Kiemviec.com: Chào bạn. Liệu 30 tuổi có phù hợp để bắt đầu với một lĩnh vực mới? Đó là vướng mắc của bạn cũng là suy nghĩ của tôi khi đặt bút chia sẻ với bạn những dòng sau đây.

Theo tâm lý học, độ tuổi 30-40 là lứa tuổi chín muồi để thăng tiến và phát huy những điểm mạnh của mình cùng phần kinh nghiệm đã trải qua để phát triển sự nghiệp. Không có gì là quá trễ để làm một điều gì đó mà bạn ước muốn hoặc khát khao.

Kinh nghiệm sống, những trải nghiệm trong công việc của bạn thời gian qua sẽ giúp bạn nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn học và tiếp nhận công việc mới. Cá tính tỉ mỉ, cẩn thận và khả năng phân tích thống kê số liệu của công việc kế toán sẽ tăng thêm điểm mạnh cho bạn.

Tuy nhiên, bạn hãy tự trả lời cho mình câu hỏi: “Có thật sự cần thiết phải chuyển sang một ngành mới (trái ngành học) trong lúc này?”. Rõ ràng điều bạn lo lắng quả là có cơ sở vì với tuổi 30, người ta thường lựa chọn xu hướng ổn định, phát triển nhiều hơn là thử thách.

Bắt đầu một công việc mới đồng nghĩa với việc đòi hỏi bạn phải nỗ lực, đầu tư thời gian để học hỏi rất nhiều. Đồng ý với sẵn vốn kiến thức tiếng Anh sẽ giúp bạn nhiều trong công việc này nhưng đó chỉ là điều kiện cần thôi chứ chưa đủ.

Theo tôi, với học vấn chuyên môn và bằng cấp của bạn, con đường phát triển sự nghiệp của bạn còn dài. Bạn có thể học thêm một số chứng chỉ để nâng cấp hoặc chuyên sâu thêm. Bạn cũng có thể ứng dụng khả năng ngoại ngữ của mình ở một đơn vị nước ngoài chuyên về kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư…

Như vậy, cơ hội phát triển công việc theo đúng chuyên môn và mong muốn nâng cao khả năng ngoại ngữ của bạn sẽ thuận tiện hơn. Điều này sẽ giúp bạn phát triển nghề nghiệp thuận lợi hơn là lựa chọn một con đường mới mà bạn chưa biết rõ như thế nào.

Cuối cùng, tôi chúc bạn sớm có định hướng mới rõ ràng cho sự nghiệp của mình!

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *